1/ Độ chính xác về hình dáng:
Nâng cao độ chính xác về hình dáng là nhằm đảm bảo sản phẩm được
sản xuất ra có chất lượng cao, không cong vênh, có mỹ thuật theo yêu cầu
của người thiết kế sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Độ chính xác về hình dáng còn góp phần vào quá trình nâng cao
năng xuất sản xuất sản phẩm (như khuôn có góc nghiêng chính xác, bề
mặt đạt độ nhám theo thiết kế thì sản phẩm sẽ đạt chất lượng cao và nhựa
dễ dàng chảy vào cũng như dễ lấy ra khỏi khuôn, …) đồng thời cũng
nâng cao tuổi thọ của khuôn.
2/ Độ chính xác về kích thước:
Đối với những khuôn nhựa kỹ thuật cao, thì độ chính xác về mặt
kích thước rất quan trọng. Thông thường các sản phẩm nhựa này được
lắp với nhau hoặc lắp với các phần khác, do đó các chi tiết khuôn ở phần
tạo hình cho việc lắp ráp này cần được chế tạo rất chính xác.
Độ chính xác cao của chi tiết sẽ làm cho các phần khuôn lắp với
nhau một cách dễ dàng, các phần sẽ nằm đúng vị trí, việc định vị hai
phần khuôn với nhau được thực hiện một cách chính xác và hoàn hảo,
các mặt phân khuôn ăn khớp với nhau, sản phẩm nhựa được tạo ra sẽ
không bị bavia cũng như không bị biến dạng do độ dày mỏng khác nhau
của sản phẩm (do khoảng tạo hình giữa chày và cối không đều) gây ra.
3/ Độ cứng của các chi tiết trong khuôn:
Độ cứng của các chi tiết trong khuôn có liên quan chặt chẽ đến các
yếu tố khác như khả năng chống mài mòn, khả năng chịu lực ép, không
bị biến dạng…
Khả năng chống mài mòn: mức độ chống mài mòn của khuôn tùy
thuộc vào loại nhựa dùng để ép, chế độ làm việc lâu dài của khuôn. Để
nâng cao khả năng chống mài mòn của khuôn thì bề mặt cần nhiệt luyện,
thấm nitơ, cacbon, hay mạ crôm, …
Khả năng chịu lực ép không bị biến dạng: trong suốt quá trình làm
việc, khuôn nhựa luôn bị lực ép (lực kẹp khuôn, áp lực phun) dồn vào
những bề mặt của bộ phận khuôn, do đó kết cấu khuôn phải đủ bền để
tránh gây biến dạng làm hư khuôn.
Ngoài ra, độ cứng cũng góp phần làm cho chi tiết dễ đánh bóng,
chống hoen rỉ khi làm việc trong môi trường ẩm ướt.
4/ Độ bóng:
Chỉ tiêu về độ bóng đối với các chi tiết tạo hình sản phẩm (phần chày,
phần cối, các miếng ghép, …). Để sản phẩm trong suốt, bằng phẳng thì độ
bóng của chi tiết phải như tấm gương (độ nhám bề mặt < 0,05Ra). Độ bóng
đạt được do thành phần Crôm, độ tinh khiết cũng như độ cứng cần thiết của
vật liệu làm khuôn. Do vậy, khi chọn vật liệu để chế tạo các chi tiết tạo hình,
phải quan tâm nhiều đến thành phần Crôm, khả năng đạt độ cứng đến mức
cần thiết và độ biến dạng ít sau khi nhiệt luyện.